Giao mùa: Cảnh báo nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp

Thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường khiến cơ thể con người, đặc biệt người già khó thích ứng kịp, dẫn tới những biến cố tim mạch nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não… Nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn tới nguy cơ tử vong cao.
Theo thông tin từ Trung tâm Tim mạch (bệnh viện E), gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp người già bị nhồi máu cơ tim cấp. Đại diện khoa Nội tim mạch người lớn của Trung tâm cho hay, vào những thời điểm khi nhiệt độ, thời tiết ổn định, các ca cấp cứu chỉ ghi nhận trung bình 1 ca/ tuần, nhưng hiện tại, ngày nào cũng ghi nhận 1 – 2 ca cấp cứu do nhồi máu cơ tim cấp và 5 – 6 bệnh nhân khác nhập viện điều trị do bệnh lý tim mạch có chỉ định can thiệp điều trị. Số nhập viện này cao gấp 2 – 3 lần so với thời điểm thời tiết nóng, ấm.
Điển hình như bệnh nhân Đ.T.L (98 tuổi, trú tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau, khó chịu vùng ngực, đôi khi lan dần xuống vai trái và cánh tay. Với các triệu chứng trên, cùng kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, bác sĩ Trung tâm Tim mạch, bệnh viện E chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 6 kèm nguy cơ phù phổi cấp… Sau hơn 2 giờ can thiệp: tái thông dòng máu ở động mạch vành, đặt stent, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ bệnh viện E đặt stent cho bệnh nhân bị biến chứng tim mạch
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.V.T (98 tuổi, ở Thanh Miện, Hải Dương) được chuyển cấp cứu từ bệnh viện tuyến dưới lên trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, tím tái, mạch và huyết áp giảm, điện tim biến đổi thất thường, men tim tăng cao. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trước rộng có nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ đã can thiệp tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc, đặt stent cho bệnh nhân. Ca can thiệp kéo dài gần 1 giờ. May mắn bệnh nhân được cứu sống.
Theo ThS.BS Lý Đức Ngọc – Phó khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch (bệnh viện E), đây là 2 trong số rất nhiều bệnh nhân cao tuổi và rất nặng bị nhồi máu cơ tim được các bác sĩ cấp cứu thành công. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi mạch vành bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hay mảng xơ vữa tích tụ, dẫn đến tổn thương, tắc nghẽn sự lưu thông dòng máu nuôi dưỡng cơ tim. Thời gian vàng để người bệnh bị nhồi máu cơ tim được can thiệp cấp cứu kịp thời từ 30 phút đến 1 giờ. Bệnh nhân càng đến bệnh viện sớm, việc mở thông đoạn mạch bị tắc được khắc phục thì khả năng hồi phục và cứu sống bệnh nhân càng cao.
GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc bệnh viện E cho biết: Thời tiết giao mùa, khí hậu thay đổi, khí áp không ổn định sẽ làm tim đập nhanh hơn, cơ tim dễ bị thiếu oxi. Vì thế, khi bị mưa, lạnh hay nắng nóng đột ngột dễ dẫn tới bệnh lý động mạch vành. Đặc biệt ở những người đứng tuổi có bệnh mạn tính, sự thay đổi thời tiết sẽ làm bệnh nặng lên, dễ dàng gặp phải những biến chứng nguy hiểm như huyết áp tăng, đột quỵ. 90% bệnh nhân phải chịu nhiều di chứng nặng nề về vận động và thần kinh do đột quỵ gây ra, chẳng hạn: liệt nửa người, suy giảm trí nhớ… Tuy nhiên, 80% người bệnh đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu có kiến thức và quan tâm đến sức khỏe.
Bởi vậy, theo GS Thành, những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch cần được theo dõi định kỳ, có biện pháp phòng ngừa và điều trị trong thời điểm khí hậu có nhiều biến đổi thất thường. Để nâng cao sức đề kháng và khả năng phòng bệnh, người già nói riêng và mọi người nói chung nên chú ý: đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thường xuyên tập thể dục; uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày đặc biệt là bữa sáng; chú ý ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, ăn nhiều cá, ít thịt, sử dụng vừa phải lượng muối và mỡ trong chế biến món ăn; bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, chủ động khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì… nhằm kiểm soát sức khỏe tốt…
Ngoài ra, mọi người, đặc biệt là trong độ tuổi trung niên và cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ hay mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả khi đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Điều này cũng dễ làm tăng huyết áp đột ngột, gây ra cơn tăng huyết áp kịch phát có thể vỡ mạch máu dẫn tới đột quỵ. Ngay cả người khỏe mạnh cũng nên đề phòng chứng tăng huyết áp, khó thở, tim đập nhanh, do sự thay đổi nhiệt độ dễ gây ra những cơn co thắt nhiều ở mạch máu.
Nguồn: Báo Phụ nữ thủ đô